ĐÀO TẠO VÀ CẤP BẰNG LÁI XE SỐ TỰ ĐỘNG

5/5 - (1 bình chọn)

Thông tư quy định đào tạo bằng lái xe số tự động

Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải (GTVT), trung tâm đào tạo, sát hạch đang gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất và hoàn thiện nội dung, chương trình để bắt đầu đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX) số tự động từ ngày 1-1-2016.
Theo ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ), hiện Tổng cục đã trình Bộ GTVT bộ quy chuẩn mới về nội dung chương trình đào tạo lái xe, trong đó có việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo lái xe số tự động (hạng B1). Hiện Tổng cục Đường bộ đã có văn bản yêu cầu các Sở GTVT chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, con người để có thể triển khai từ ngày 1-1-2016. Đồng thời, các đơn vị cũng tiến hành lắp thiết bị chấm điểm tự động trên ô tô sát hạch và sửa sân sát hạch để phục vụ bài sát hạch ghép xe ngang vào nơi đỗ đối với cả hạng B1, B2 để đến ngày 1-4-2016 có thể thực hiện nội dung sát hạch xe số tự động và cấp GPLX số tự động đầu tiên.
“Để thực hiện đào tạo lái xe số tự động, các trung tâm đào tạo – sát hạch sẽ phải đầu tư phương tiện, biên soạn giáo án theo chương trình đã quy định và sửa sân để thêm nội dung ghép ngang. Nội dung đào tạo – sát hạch “ghép ngang” – tức cho xe đỗ song song với vỉa hè, có xe chặn trước và sau – là một nội dung mới được bổ sung cho cả chương trình đào tạo lái xe số sàn lẫn số tự động nhằm nâng cao kỹ năng cho người học. Đây là một kỹ năng rất cần thiết với người lái xe, nhất là khi tham gia giao thông ở các đô thị”, ông Quân nói.
Bằng lái xe số tự động sẽ được cấp riêng cho người có nhu cầu cấp bằng hạng B1, nhưng chỉ điều khiển các loại ô tô số tự động. Người học được lái xe chở người đến 9 chỗ ngồi và ô tô tải dưới 3,5 tấn, không kinh doanh vận tải. Chương trình đào tạo lái xe số tự động sẽ được rút ngắn 80 giờ học so với nội dung đào tạo lái xe số sàn. Cụ thể, toàn bộ thời gian học số tự động sẽ chỉ còn 476 giờ, trong đó 136 giờ học lý thuyết vẫn được giữ nguyên nhưng phần thực hành được rút ngắn từ 420 giờ xuống còn 340 giờ, giảm 80 tiết học và tương đương 12 ngày học.
Được biết, số giờ học thực hành giảm xuống do học xe số tự động không có nội dung lái xe tải. Bên cạnh đó, một số thao tác cũng đơn giản hơn so với số sàn. Chẳng hạn như nếu học số sàn thì bài thi “Dừng xe, khởi hành trên dốc lên” thường gọi là “đề pa lên dốc” sẽ khó hơn, nhất là với phụ nữ nhưng nếu là số tự động, điều này đơn giản hơn. Lý do là xe số tự động chỉ cần thao tác phanh và ga để dừng và đi lên dốc còn xe số sàn, phải thực hiện nhiều thao tác như: phanh – nhả côn – nhả phanh rồi để cho xe tự bò lên dốc nên khi thi xe số sàn, học viên thường hay để xe chết máy, trôi dốc. Cùng với đó, học viên học xe số tự động không cần phải tập thuần thục kỹ năng sang số, đạp – nhả côn phanh vốn mất rất nhiều thời gian bởi xe số tự động không cần những thao tác này.
Học phí đào tạo lái xe sẽ do các trung tâm xây dựng và đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt trước khi thực hiện. Tổng cục Đường bộ cũng đã yêu cầu các Sở GTVT kiểm tra, giám sát việc xây dựng mức học phí phù hợp, không để các đơn vị tự ý thu cao hơn mức mặt bằng hiện tại.

xe số tự động

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi